Doanh nhân Việt Nam trước vận hội mới

Admin - 2023-10-13 16:24:41 - 0 COMMENT

Ông Nguyễn Tất Thịnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương; Chuyên gia chiến lược và xây dựng tổ chức, Học viện Hành chính Quốc gia; Hiệu trưởng Trường Đào tạo Doanh nhân PTI. Ông cũng là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng được giới doanh nhân yêu thích như: “Nghề giám đốc”, “Hành trình nhân sinh quan”, "Quản trị và lãnh đạo tổ chức - Giá trị đến từ sức mạnh"...

Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam, ông đã dành cho phóng viên Thời báo Ngân hàng một cuộc trao đổi tâm huyết xung quanh những vấn đề tinh thần, khát vọng tự cường, thịnh vượng, những phẩm cách và nội hàm thiết yếu đối với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trước vận hội, thời cơ mới của đất nước...

Ông Nguyễn Tất Thịnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Nhỏ đi với lớn năng lực vượt trội

Thưa ông, một trong những dấu mốc lịch sử lớn của nước ta trong năm 2023 là chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, xin ông cho biết quan điểm của mình về cơ hội của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam sau sự kiện này?

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, với việc nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, tôi đã gặp rất nhiều tầng lớp, kể cả chính trị, công chức tới doanh nhân, hầu hết ai cũng tỏ ra rất hồ hởi, hứng khởi và kỳ vọng về những thay đổi lớn lao trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.

Khiêm tốn mà nói, chúng ta vẫn còn là nước nhỏ, tài chính công nghệ còn hạn chế, nhưng lợi thế tương đối của chúng ta rất nhiều. Vị trí địa lý, sự ổn định chính trị, tài nguyên, hay dân số gần 100 triệu người... những lợi thế này, khi hợp tác với Mỹ, không chỉ sẽ giúp chúng ta gia tăng phát triển thị trường, kênh phân phối... mà còn giúp chúng ta tìm đến một lợi thế tuyệt đối của Mỹ, đó là: vị thế quốc tế, công nghệ quốc tế...

Muốn thành công thì đương nhiên vẫn đòi hỏi mưu sự tại ta, nhưng nếu có sự giúp đỡ, trợ lực mạnh từ bên ngoài thì vẫn tốt hơn, sức đẩy sẽ nhanh hơn. Dùng lực ngoại vi để tác động, cộng hưởng vào lực nội vi; lấy lợi thế tương đối hợp tác với lợi thế tuyệt đối để trở thành sức mạnh lớn. Nhỏ đi với nhỏ cơ hội gấp đôi. Nhỏ đi với lớn, năng lực vượt trội chính là như vậy.

Quang cảnh một tiết học của lớp CEO 177 do Chuyên gia Nguyễn Tất Thịnh (ngồi đối diện) đang truyền giảng tại Trường Đào tạo Doanh nhân PTI

Cạnh tranh bằng sức mạnh của công nghệ và khoa học quản trị

Như ông chia sẻ ở trên, để thành công, bên cạnh sự giúp đỡ, trợ lực mạnh từ bên ngoài thì đương nhiên vẫn đòi hỏi nội lực. Vậy doanh nhân Việt Nam cần làm gì để có thể phát huy tối đa tính tự lực, tự cường?

Theo quan điểm của tôi, doanh nhân Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói chung, hiện mới ở mức chịu khó, chịu khổ, chia ngọt sẻ bùi lúc khó khăn. Về tính tự cường thì còn phải bàn.

Nhận thức, mong muốn của người Việt Nam rất cao nhưng sự dấn thân, xả thân vẫn chưa đủ mạnh để đạt được tầm khát vọng vì mục tiêu lớn. Các doanh nghiệp phần đa vẫn còn dựa vào kinh nghiệm, trong phạm vi địa phương của mình và tự bằng lòng về điều đó.

Những thói quen kiểu văn hoá làng xã, tư duy vừa đủ với cái nhỏ, làm ăn tự phát... không còn phù hợp với tư duy toàn cầu nữa. Muốn đi đến văn minh, quy tắc lớn của làm ăn quy mô, phương pháp lớn đòi hỏi phải có sự đột phá, cạnh tranh bằng sức mạnh công nghệ, tiến bộ văn minh của khoa học quản trị. Chất đại bàng phải có quy tắc lớn. Quy mô lớn của phương pháp lớn đòi hỏi doanh nhân phải tiếp cận bằng trí học, trí thức chứ không còn là bản năng tự phát, cảm tính hay trí thông minh cá nhân nữa. Đó phải là một sự thông minh của hệ thống, phương pháp, vận dụng vào trong công việc làm ăn kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Thông minh ở đây là biết hợp tác, sử dụng lợi thế, tự hiệu quả hoá được tất cả nguồn lực và tiềm năng của mình. Không để tạo ra xung đột mà cần tạo ra win – win, làm việc gì, ra kết quả gì cũng không để lại hậu quả xấu. Thông minh ở đây là phải sử dụng công nghệ và khoa học tổ chức gắn chặt với nhau, nó là một cặp phải đi cùng nhau. Anh có công nghệ mà không có khoa học tổ chức là anh mới đi bằng một chân. Muốn đi bằng hai chân anh phải đi bằng khoa học tổ chức quản trị và kỹ thuật công nghệ.

Từ phẩm chất phải tạo nên tầm vóc

Trong làm ăn, kinh doanh, không để tạo ra xung đột, không để lại hậu quả xấu mà cần tạo ra win – win, vậy theo ông, phẩm cách mà doanh nhân 4.0 cần phải có là gì?

Phẩm cách muốn có phải là sự tu rèn. Giống như "Thép đã tôi thế đấy", "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Một cây nhỏ mới cần phân bón, chăm sóc, còn một khi cây đã cao lớn thì nó chỉ cần ánh sáng, không khí, thậm chí chỉ cần ít đất là đã có thể tạo ra một hệ sinh thái và sự sống cho những hệ sinh vật xung quanh nó. Một doanh nhân, doanh nghiệp cũng vậy, cần phải trui rèn mọi phẩm chất... phải biến thành tầm vóc, lớn lao có ảnh hưởng đến vĩ mô, hệ sinh thái. Phẩm cách đó không còn là kiến thức học trong sách vở, nhà trường mà đó phải là sự hiểu biết quy luật và có khả năng vận dụng thành các quy tắc hành động trong mọi hoàn cảnh.

Thứ hai, phẩm cách phải vươn tới một giá trị văn minh. Muốn có văn minh nhiều khi phải biết đào thải những cái cũ, cái gọi là “kinh nghiệm” sau luỹ tre làng để hướng ra biển lớn của tri thức, văn minh và hội nhập. Thứ ba, phẩm cách là tính ảnh hưởng là dẫn dắt được những người khác trong doanh nghiệp và cộng đồng của mình. Giống như cái cây khi nó đủ lớn thì “phẩm” của nó có khả năng tạo ra hệ sinh thái; Có giá trị bản thân nhưng phải phát toả được cho người khác cùng hưởng lợi. Và từ phẩm chất phải tạo nên tầm vóc. Đất nước nào có tầm vóc mới tạo nên sự vĩ đại, như Kim tự tháp, Vạn lý Trường thành...

Đạo lý phải luôn sáng ngời

Và khi vận hội đến làm thế nào để doanh nhân có thể nắm bắt, phát huy lợi thế, năng lực của mình, thưa ông?

Tất cả phải bắt đầu từ bản thân mình. Phải đi qua thử thách nhưng đạo lý phải luôn sáng ngời. Đạo lý sẽ dẫn dắt con người đi từ bé đến lớn. Vì ngoài pháp lý còn có công lý và đạo lý nữa. Đạo lý không chỉ là cư xử giữa con người với nhau mà còn phải tôn trọng thiên-địa -nhân.

Doanh nhân phải là người có khả năng tự học hỏi và tiếp cận cái mới, thích đổi mới. Hai là tạo niềm tin cho người khác về lộ trình, mục tiêu, để truyền niềm tin cho người khác. Ba là tạo nên môi trường tốt cho mọi người đều được thể hiện, phát triển bản thân. Bốn là tiên phong trong khó khăn, trong đổi mới, tạo nên sự khai phóng. Năm là biết đội sứ mệnh và biết vì cộng đồng, làm ích, làm lợi cho người khác thay vì chỉ chăm chăm cho gia đình nhỏ của mình. Trong khi, chính nhân viên, cộng đồng, xã hội mới là đối tượng có thể giúp anh toả sáng lên.

Nếu đưa ra một lời khuyên ngắn gọn nhất đối với đội ngũ doanh nhân Việt Nam, ông sẽ...?

Lời khuyên của tôi thường dựa trên tính nhân quả, sự trải nghiệm mang tính đúc kết, chiêm nghiệm. Và tôi hay khuyên doanh nghiệp 10 chữ rất ngắn gọn sau: Phát từ mình/ Quý cái có/ Cần hơn muốn/ Học để hành/Tốt từ nhỏ/ Nghĩ nên sáng/ Đi đích đến/ Kết thành quả/ Đạt là được/ Xong thì xuôi.

Tóm lại, là một doanh nhân, bạn phải tự hào vì đã quy tụ được những người giỏi hơn mình chứ không phải những người dưới mình.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất bổ ích, lý thú này.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nhan-viet-nam-truoc-van-hoi-moi-145028.html 

Bắt đầu cuộc hành trình của bạn ngày hôm nay.