Chuyện doanh nghiệp: Sức mạnh của niềm tin (Phần 1)
Admin - 2023-02-16 13:38:07 - 0 COMMENT
Có những người so sánh: “Doanh nghiệp không phải là gia đình, mà như một đội bóng”. Cách nghĩ và nói đó không đúng không sai. Chỉ nên hiểu đó là một trường hợp ví von.
Vì sao? Vì khi phỏng vấn huấn luyện viên hay những cầu thủ của một đội bóng rất giàu thành tích và truyền thống, tất thảy người trả lời phỏng vấn đều cho rằng: “ Để có những thành công như hôm nay, chúng tôi là một gia đình, yêu thương và tận lực ...” Trong trường hợp này, đội bóng thành công lại ví mình như một gia đình vậy.
Vậy doanh nghiệp có như một gia đình hay như một đội bóng? Nếu có thì sao, nếu không thì sao? Chúng ta cần hiểu thế nào cho đúng?
Doanh nghiệp (Công ty) là một tổ chức, thực hiện những chức năng về sản xuất và kinh doanh, đầu ra là những sản phẩm và dịch vụ, đầu vào là mọi yếu tố để phục vụ cho công việc đó. Đã là một tổ chức, nghĩa là tập thể đó có quy tắc và cam kết, có phân công vai trò nghĩa vụ, thực hiện những việc để đạt được những mục tiêu cụ thể. Song trụ cột quan trọng nhất để biến những nguyên tắc và sự uỷ nhiệm đó trở thành một tổ chức thành công đó chính là chung niềm tin. Thế nên, một nhóm chơi cùng nhau nếu không có quy tắc chung, không có mục đích, không thực hiện những việc có tính nghĩa vụ thì không được gọi là tổ chức.
Quay trở lại với niềm tin - trụ cột phát triển của tổ chức. Niềm tin dựa trên nhiều yếu tố: niềm tin vào người sáng lập, mô hình kinh doanh, tính có ích với bản thân khi tham gia tập thể đó, tương lai, sự nghiệp… Vì vậy, để tập hợp được một tập thể mạnh và xây một tổ chức mạnh, người cầm cờ ngoài ý tưởng tốt phải sở hữu khả năng hiệu triệu. Phẩm chất của người cầm đầu phải là phẩm chất và năng lực thống lĩnh của con đầu đàn. Ngoài sức mạnh để có thể đè bẹp những phản kháng của những tay phá bĩnh, nhất định nó phải xây dựng được một “hệ giá trị” trong tập thể đó. Hệ giá trị này chính là lề lối sinh hoạt phù hợp với tập quán của bầy, là những nguyên tắc cư xử giữa các thứ bậc thành viên, là những ám hiệu khi săn mồi, là hệ thống tưởng thưởng và trừng phạt…
Chính thế, nên trong việc xây dựng một thương hiệu, khách hàng có thể chỉ biết tới sản phẩm và dịch vụ (những đầu ra cụ thể của một doanh nghiệp), nhưng yếu tố đằng sau đó đóng vai trò càng then chốt. Đó là tầm nhìn, định vị hệ giá trị, tuyên ngôn sứ mệnh và những chỉ dấu thuộc về miền tinh thần, là những tuyên thệ và bức tranh của niềm tin chung.
Không có một công ty nào lại tuyên bố mang trong mình một sứ mệnh huỷ diệt những điều tích cực và tốt đẹp. Song cũng có rất nhiều trường hợp tuyên bố một đằng, làm một nẻo. Những trường hợp đó sẽ dần dà được thanh lọc, vấn đề nằm ở chỗ trình độ văn minh của xã hội đó tới đâu.
Không thể đi xa nếu một doanh nghiệp chỉ nói và hướng tới lợi nhuận, doanh số hay doanh thu. Cũng không thể chấp nhận những tổ chức muốn đi lên nhưng sẵn sàng triệt hạ, đè bẹp, chơi xấu với đối thủ. Điều đó giống như một bầy sói hoang tìm kiếm những con mồi, xả thịt, rồi lại tìm kiếm sự mưu sinh. Cộng đồng nhận dạng đó chính là sự cạnh tranh không lành mạnh. Một xã hội văn minh không thể có chỗ đứng cho những điều trái pháp.
Song cũng không thể chỉ nói tới những ý thức, triết lý và lãng quên yếu tố kỹ thuật, tính chiến đấu. Vì nếu yếu, anh sẽ không thể tồn tại. Do đó, những việc marketing, sản xuất, bán hàng, tài chính là những yếu tố kỹ thuật nhưng sát sườn và thiết yếu. Sự thiêng liêng của sứ mệnh, giá trị cốt lõi và năng lực triển khai thực hành phải gắn chặt, hoà quyện nhuần nhuyễn cùng nhau. Nhưng tính phổ quát, toàn diện và dẫn đường đó chính là nhân sự có chung niềm tin vào hệ giá trị của doanh nghiệp, được coi là kim chỉ nam, dẫn lối doanh nghiệp đi lên một cách tự tin và cộng hưởng tích cực cùng với xã hội.
Tác giả bài viết: Ông Nguyễn Hoàng Phương là Chủ tịch Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (ABE Academy), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Giảng huấn Tổ chức đào tạo chất lượng cao PBS. |